14:22 | 26/01/2011

Có thể nói quãng thời gian 25 năm kể từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới đã đủ dài để chúng ta chia tay với cụm từ hội nhập, đường hoàng ghi danh trên bản đồ nghệ thuật đương đại thế giới.

Ngày đầu chập chững
Công cuộc Đổi mới được tiến hành từ năm 1986 đã tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ cho mọi lĩnh vực, trong đó có mỹ thuật. Phần vì sau chừng ấy năm đóng cửa và các tác phẩm nghệ thuật gần như không có giá trị thương mại (các danh họa như Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên... cũng không sống nổi bằng nghề vẽ và cũng không tổ chức được triển lãm), mỹ thuật Việt Nam bỗng trở nên đặc biệt hấp dẫn với thế giới bên ngoài. Phần vì dòng chảy sáng tạo đã được mở ra những hướng mới và sự hình thành của một thế hệ nghệ sỹ trẻ (sinh sau năm 1970) đã trở thành lực đẩy mạnh mẽ cho nghệ thuật đương đại Việt Nam. Đặc biệt phải kể đến vai trò của 3 trung tâm văn hóa nước ngoài tại Việt Nam: L’Espace (Pháp), Viện Goethe (Đức), Hội đồng Anh (Anh) và nhiều nghệ sỹ nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại Việt Nam... Tác phẩm của các nghệ sỹ đương đại thời kỳ đầu của Việt Nam đã được đánh giá cao và trở thành món hàng đắt giá được một số người nước ngoài nhạy bén với thị trường nghệ thuật mua và chuyển ra nước ngoài. Nghề vẽ đã giúp một số nghệ sỹ không chỉ sống được mà thậm chí còn trở nên giàu có.

Điều tôi làm

 Trần Trung Thành

Điều kiện cần đã hội tụ

Bản đồ nghệ thuật thế giới không được quản lý bởi một thể chế nào mà nó là sân chơi lớn chỉ dành cho những người chuyên nghiệp và có tài năng. Nghệ sỹ của chúng ta có được như vậy không? Với các chuyên gia về mỹ thuật Việt Nam, câu trả lời khẳng định không phải là một lời nói khoác.
 
Các nghệ sỹ đương đại Việt Nam đã sử dụng tất cả các hình thức của nghệ thuật đương đại trong lĩnh vực mỹ thuật như: video art, land art, sắp đặt, trình diễn, hội họa giá vẽ theo phong cách mới, điêu khắc trên mọi chất liệu... Có những buổi trình diễn nghệ thuật đương đại thu hút cả chục nghìn người với sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật (như các buổi trình diễn của nghệ sỹ Đào An Khánh). Các tác phẩm nghệ thuật đương đại của Việt Nam đã xuất hiện ở những thị trường đầu mối quan trọng của nghệ thuật đương đại thế giới như Hong Kong, Singapore. Các nghệ sỹ Việt Nam cũng đã triển lãm tác phẩm từ Brazil, Mỹ cho đến Đức, Pháp, Anh... Tác phẩm của họ đã có mặt trong nhiều bảo tàng danh tiếng.

Thêm một lý do để chúng ta hoàn toàn tự tin là: về bản chất, nghệ thuật không phân cao thấp, không có mặc cảm về vị trí địa lý, không cần phiên dịch, các nghệ sỹ thế hệ mới cũng được đào tạo bài bản, giao tiếp trực tiếp bằng tiếng Anh. Cũng nên kể đến những nghệ sỹ Việt Nam sống ở nước ngoài, bất kể hình thức hay chất liệu như thế nào, các tác phẩm của họ vẫn có mối liên hệ với Việt Nam và hoàn toàn có thể đại diện cho nghệ thuật đương đại Việt Nam. Thế nhưng các tác phẩm nghệ thuật đương đại của Việt Nam vẫn chưa có mặt tại các festival nghệ thuật đương đại đỉnh cao chính thống như: Biennale de Venise, Trung tâm nghệ thuật đương đại Georges Pompidou (Paris), bảo tàng nghệ thuật hiện đại Moma - New York, Hội chợ nghệ thuật đương đại Basel (Thụy Sỹ)..., tức là chúng ta vẫn chưa ghi tên trên tấm bản đồ danh giá ấy, trong khi các nghệ sỹ hoàn toàn tự tin về công việc của mình.

Chúng ta còn thiếu gì?

Câu trả lời có nhiều nhưng có lẽ trước hết nên bắt đầu từ nghệ sỹ. Nhiều họa sỹ đã không cầm lòng được trước sức hút mạnh mẽ của đồng tiền nên đã cóp tranh của chính mình tạo nên sự sụp đổ mạnh mẽ lòng tin của các nhà giám tuyển quốc tế và các chủ gallery nước ngoài (vốn là những người có tác động mạnh mẽ đến sự xuất hiện của các nghệ sỹ tại các hoạt động nghệ thuật quốc tế danh tiếng). Có thể nói các nghệ sỹ đương đại Việt Nam đã lỡ chuyến tàu ra thị trường nghệ thuật thế giới một cách lãng xẹt. Các nghệ sỹ cần thực hiện một thao tác đơn giản là cung cấp giấy chứng nhận độc bản cho tác phẩm của mình và tôn trọng tuyệt đối cam kết ấy không chỉ cho mình mà còn cho các nghệ sỹ khác.

Thứ hai chính là cần có một thị trường nghệ thuật đương đại tại Việt Nam. Điều này có nghĩa là các tác phẩm nghệ thuật có một giá trị thanh khoản thực sự. Khi đó các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà sưu tập sẽ vào cuộc. Giá tranh được nâng cao và xuất hiện trong danh mục đầu tư của các quỹ đầu tư, ngân hàng quốc tế. Điều này sẽ lôi kéo các gallery và chuyên gia nghệ thuật quốc tế quan tâm đến Việt Nam (giống như phải gia nhập WTO để có tên trên bản đồ thương mại quốc tế) và tăng cường cơ hội xuất ngoại của các nghệ sỹ Việt trong những hoạt động nghệ thuật tầm cỡ thế giới.

Trong một thời gian dài, nhiều nghệ sỹ Việt xuất ngoại là nhờ vào hoạt động tích cực của 3 trung tâm văn hóa nước ngoài nói trên, cùng với nỗ lực của quỹ Ford Việt Nam trước đây, Quỹ Văn hóa Đan Mạch, Quỹ Đông Sơn và nhiều tổ chức phi chính phủ khác. Nhưng đã đến lúc chúng ta phải chủ động tự làm quảng bá cho các nghệ sỹ của chúng ta. Công việc này không nhất thiết phải do Nhà nước làm mà chính các doanh nghiệp, cá nhân trong nước cũng có thể làm được. Hãy nhìn vào Trung Quốc, khi các doanh nhân của họ mua tác phẩm của chính người Trung Quốc trong các cuộc đấu giá quốc tế với giá hàng triệu USD. Điều này làm chính giới đầu tư và sưu tầm thế giới nể phục và sẵn lòng mua các tác phẩm nghệ thuật của họa sỹ Trung Quốc vì họ tin vào giá trị của nó. Mỹ thuật Trung Quốc nhanh chóng chiếm được vị trí đáng nể trên thị trường nghệ thuật quốc tế, nghệ sỹ của họ được trưng bày tác phẩm ở những trung tâm nghệ thuật đương đại chính thống và danh tiếng nhất châu Âu và Mỹ, ngoài ra đây cũng là nguồn lợi về thuế cho chính phủ Trung Quốc.

Đã đến lúc Nhà nước tập trung nguồn lực hoặc kêu gọi bảo trợ nghệ thuật để tổ chức một festival nghệ thuật đương đại Việt Nam hoành tráng tại New York, Berlin hay Paris. Các tập đoàn quốc doanh lớn hoàn toàn có thể hỗ trợ các hoạt động mang tính văn hóa, ngoại giao, nhân văn (và ngầm trong đó là thương mại) như thế này một cách dễ dàng hoặc sự hỗ trợ cũng có thể đến từ một trong hàng chục “tập đoàn tỷ đô” của Việt Nam. Điều quan trọng là phải có sự chuyển biến thực sự từ phía các cơ quan quản lý.
 
Đã có bột, chỉ cần sự chú ý là có thể gột nên hồ.

Nguyễn Đình Thành